Phòng ngừa rêu hại thủy sinh như thế nào ?
Rêu hại trong hồ thủy sinh là gì?
Rêu hại trong hồ thủy sinh là các loại rêu tự phát không mong muốn, chúng tấn công bám vào các cây thủy sinh, đá, lũa, bề mặt hồ kính nhìn rất mất thẩm mỹ.
Vì sao có rêu hại ?
– Nguyên nhân đầu tiên là ánh sáng: với những hồ dư cường độ sáng, thời gian chiếu sáng quá nhiều hoặc mở đèn 24/24 các bạn sẽ thấy rêu hại xuất hiện đặc biệt là tảo nâu, tảo xanh…
– Nguyên nhân thứ 2 chính là hệ vi sinh chưa ổn định: tầm quan trọng của hệ vi sinh là ngoài chức năng khử chất hữu cơ, khử độc, chuyển hoá Nitrate (Vòng tuần hoàn Nitrogen), thì hệ vi sinh còn 1 chức năng tuyệt vời khác mà ít người biết: ĂN rêu hại - Hệ vi sinh ổn sẽ trực tiếp tiêu diệt rêu hại, và rêu hại còn trong ở trạng thái chưa hình thành sẽ dễ dàng bị hệ vi sinh xoá xổ ngay từ trong trứng nước.
– Nguyên nhân thứ 3 chính là tạp chất hữu cơ trong nước, tạp chất hữu cơ này có trong nền, phân cá tép, thức ăn thừa, xác cá tép, lá cây chết phân hủy, kim loại nặng, nh3… Đa số những chât hữu cơ này đều được cây hấp thụ rất nhanh, nhưng trong 1 số trường hợp lượng hữu cơ quá nhiều, hoặc hồ trồng ít cây hoặc những cây hấp thụ dinh dưỡng ít và chậm như rêu, ráy, dương xỉ, bucep.. cộng thêm hệ vi sinh quá tải không phân hủy hết lượng hữu cơ này hoặc hồ bạn ít thay nước thì tất nhiên rêu hại sẽ bùng phát ngay.
– Nguyên nhân tiếp theo là do mất cân bằng dinh dưỡng, mất cân bằng ở đây có thể là hồ thiếu co2 (Carbon) , Oxi, đa lượng, vi lượng làm cây yếu dần, cây sẽ ngừng hấp thụ những chất còn lại trong nước, và tất nhiên lượng thức ăn miễn phí này sẽ được rêu hại tiêu thụ. Mất cân bằng dinh dưỡng cũng có thể là do dư dinh dưỡng khi hồ bạn ít cây mà lại châm quá nhiều phân nước, đặc biệt là sắt và vi lượng.
– Nhiệt độ cũng là một nguyên nhân gây rêu hại, ở những khu vực nhiệt đới như VN thì vào mùa nóng, nhiệt độ lên quá cao (trên 30 độ C) thì lượng oxi sẽ xuống thấp, gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh, cây cũng sẽ bị yếu và hút dinh dưỡng ít đi, rêu hại sẽ tấn công.
Cách phòng ngừa rêu hại?
Bạn đã nắm rõ các nguyên nhân gây rêu hại, các bạn sẽ có hướng giải quyết rõ ràng hơn, ngoài việc dùng chất hóa học diệt rêu, các bạn nên xem lại những yếu tố vừa nêu trên để tạo cân bằng cho hồ để phòng và trị rêu hại 1 cách triệt để. Những yếu tố cần đặc biệt quan tâm:
- Ánh sáng, nên dùng 1 lượng TRUNG BÌNH, vừa phải, có thể tăng dần khi hồ ổn định
- Cung cấp đầy đủ oxi bằng sủi, sủi bio, lọc váng
- Cung cấp đầy đủ carbon, đặc biệt là từ dạng khí co2
- Đầu tư, quan tâm về hệ thống lọc, dòng chảy
- Giữ hồ sạch sẽ: nuôi cá tép vừa phải, cho ăn có chừng mực, vệ sinh hồ, vớt xác cá tép, lá cây, thay nước định kì…
- Không châm quá nhiều Fe và vi lượng khi hồ trồng ít cây hấp thụ nhiều dinh dưỡng
- Nên đảm bảo đủ dinh dưỡng đa vi lượng cho hồ, tránh tình trạng cây thiếu hụt dinh dưỡng và trở nên yếu, dễ bị rêu hại bùng phát và tấn công
- Giữ nhiệt độ dưới 29-30 độ, tốt nhất là từ 22-27 độ
- Nên nuôi những động vật ăn rêu hại như ốc nerita, cá otto, bút chì thái, longfin, tép Yamato, tép màu…